Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ phục hồi tăng trưởng của kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho
doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD), đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm hành động "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.834 DN và 619 hợp tác xã (HTX); trong đó, riêng 7 tháng đầu năm 2022 có 181 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là khoảng gần 1.970 tỷ đồng và 53 HTX thành lập mới với số vốn điều lệ 102,4 tỷ đồng.
Để đồng hành, hỗ trợ các DN, HTX trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hàng trăm cơ sở SXKD gặp nhiều khó khăn, thậm chí dừng hoạt động, tỉnh đã triển khai kịp thời việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ. Đồng thời thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến nay, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện hỗ trợ 31.474 người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ là 14,669 tỷ đồng; hỗ trợ cho 63.650 đối tượng với kinh phí là 99,389 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ; giải ngân cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.444 lao động, số tiền 98,1 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 11 cơ sở, với số tiền 900 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ DN, HTX giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” đến năm 2025 để tạo lập môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; ưu tiên kết nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh.
Đồng thời hỗ trợ DN chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với DN tham gia tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là ngành nghề có lợi thế của tỉnh.
7 tháng năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,57%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, cao nhất trong 5 năm gần đây; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,1%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng 11%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 171,7 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ.
Trong đó, những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến khoáng sản, may mặc...; hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng, toàn tỉnh đã đón trên 928.000 lượt khách, tăng 82,4% so với cùng kỳ, doanh thu đạt trên 605 tỷ đồng.
Trong 7 tháng, tổng số tiền thuế các DN nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 859 tỷ đồng, chiếm 65% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh, tăng khoảng 220 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN, HTX, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành về hỗ trợ DN, hỗ trợ phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ DN như: xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu; thường xuyên đối thoại với DN để nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong SXKD...
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: các địa phương hiện đã dành 2 ngày cuối tuần để giải quyết vướng mắc cho người dân, DN, HTX.
Đây là việc làm thường xuyên và cũng là trách nhiệm của các ngành chức năng, địa phương trong việc đồng hành cùng người dân, DN. Chương trình
"Ngày cuối tuần cùng DN” thời gian tới cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở bám sát những khó khăn, vướng mắc và tham khảo ý kiến của DN để tổ chức thành những chuyên đề mà cộng đồng DN thực sự quan tâm; đánh giá cụ thể hoạt động, hiệu quả của DN, HTX, để từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Hùng Cường